Cách chăm sóc cây xương cá trồng chậu

Cây xương cá trồng chậu, hay còn gọi là cây giao, một loại cây có thể vừa được làm cảnh vừa có khả năng chữ bệnh, trong đó cây giao nổi tiếng chữa khỏi bệnh viêm xoang. Nhờ vào ngoại hình đặc biệt, những năm gần đây cây xương cá được trồng chậu tại nhà để trang trí nội thất.

Vậy bạn đã biết gì về cây xương cá chưa, cùng Nông nghiệp phố tìm hiểu ngay bài viết sau đây để hiểu rõ về công dụng, cách trồng và chăm sóc cây xương cá trồng chậu nhé.

1. Thông tin về cây xương cá

Cây xương cá hay cây giao được gọi bằng nhiều tên khác nhau như cây kim dao, cây xương khô, san hô xanh, tên tiếng anh cây giao là Aveloz, Indian tree spurge, Naked lady, Pencil tree, Pencil cactus, Milk bush. Tên khoa học của cây xương cá là Euphorbia tirucalli.

Trong tự nhiên, cây xương cá thường mọc ở nhiều nơi, dễ trồng và chăm sóc, có thể trồng làm cảnh trong nhà hoặc ngoài trời đều được, vì là một cây thuộc họ xương rồng nhưng cây xương cá không hề có gai.

Khi trồng làm cảnh, bạn có thể hãm chiều cao cây để cây chỉ cao khoảng 1m – 1.5m, đây là loại cây rất lạ mắt với thân cây mọng nước màu xanh, gồm nhiều đốt tròn đường kính chỉ khoảng 0.5cm, có độ dài không đều và mọc tủa ra mọi phía giống như xương cá hay những rạn san hô.

Thông thường rất ít nhìn thấy lá cây bởi lá rất nhỏ, chỉ dài khoảng 1.2mm – 1.5mm, lại nhanh rụng chỉ để lại thân, cành trơ trọi. Ngoài ra, loài cây này chứa một lượng lớn mủ trắng trong thân, chỉ cần bị gãy cành nhỏ, mủ màu trắng đục sẽ tiết ra rất nhiều. Và mủ cây xương cá dùng để chữa bệnh viêm xoang.

Hoa cây xương cá màu vàng nở từ tháng 9 đến tháng 12, được mang trong cụm ở đỉnh của các cành ngắn hoặc trong các góc của các cành.

2 . Tác dụng của cây xương cá

Nhìn vào dáng vẻ cây xương cá hẳn ai cũng sẽ bị thu hút, dáng vẻ uy phong này thường được đặt vào những chiếc chậu trắng, chậu đồng đặt tại  phòng khách, lối đi, cửa sổ… rất đẹp.

Ngoài trang trí, trong y học thì mủ cây xương cá vị cay, hơi chua, tính mát, hơi có độc, có tác dụng tiêu viêm, giải độc, sát trùng, thúc sữa, khử phong và sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh như viêm xoang, mụn cóc, ghẻ lở hắc lào…

 

Vậy cây xương cá có độc không? Mủ cây xương cá có thể gây kích ứng da và niêm mạc, mẩn đỏ và cảm giác nóng, nếu tiếp xúc với mắt có thể gây mù tạm thời, tiếp xúc với da gây kích ứng, nếu ăn phải, nó có thể gây bỏng miệng, môi và lưỡi.

3 . Ý nghĩa cây xương cá

Với hình dáng đặc biệt, ý nghĩa của cây xương cá trong cuộc sống là bền chí, mạnh mẽ, kiên cường vượt qua hoàn cảnh, không chịu khuất phục và thay đổi để sinh tồn

Cây xương cá phong thuỷ hợp với mệnh mộc, vì màu xanh của cây là màu đại diện cho mệnh mộc. Tuy nhiên, do mủ cây có tính hơi độc nên cây xương cá trồng ở ở ban công, sân thượng, hay vị trí mà có thể hạn chế trẻ nhỏ, thú cưng sẽ tốt hơn.

4. Cách trồng cây xương cá trong chậu tại nhà

Cây xương cá sẽ là một bổ sung tuyệt vời cho khu vườn mọng nước ngoài trời của bạn, tuy nhiên bạn cần cẩn thận khi trồng hoặc nhân giống cây xương cá. Cây xương cá dễ sống, vì vậy mà cây thường được nhân giống bằng cách giâm cành.

a. Cách nhân giống cây xương cá

Phương pháp giâm cành rất hiệu và và có tỷ lệ thành công rất cao với cây xương cá. Cách làm cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần cắt một đốt thân cây xương cá, đem ngâm vào dung dịch kích rễ như N3M, Bimix Super Root hay Roots 2… trong khoảng 15 phút.

Sau đó bạn vớt ra và đem cắm vào đất ẩm hoặc các loại giá thể giâm cành như giá thể mụn dừa, giá thể giâm cành Peatmoss… Sau khoảng 10 – 15 ngày đốt thân sẽ ra nhiều rễ mới, lúc này bạn đem trồng vào chậu thôi.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý do mủ cây có tính độc nên trong quá trình nhân giống cây xương cá, bạn cần xử dụng bao tay nylong hay các loại bao tay chống nước để tránh mủ cây dính vào da.

b. Cách trồng cây xương cá trong chậu

Cây xương cá rất dễ tính, cây có thể sinh trưởng và phát triển trên mọi loại đất, tuy nhiên với những loại đất tơi xốp, thoát nước tốt và nhiều dinh dưỡng cây sẽ phát triển nhanh chóng hơn

Đất trồng cây xương cá bạn có trộn theo tỷ lệ 3 đất sạch : 3 phân trùn quế : 2 giá thể mụn dừa : 1 giá thể trấu hun : 1 đá perlite. Để nhanh chóng và không cần phối trộn phức tạp thì bạn có thể sử dụng đất sạch hữu cơ Sfarm chuyên cho hoa cây kiểng nhé.

 

Để thoát nước tốt, bạn có thể lót đáy chậu bằng một lớp viên đất nung size 10mm – 20mm, sau đó cho đất đã chuẩn bị vào 2/3 chậu, đặt cây con vào giữa rồi cho thêm đất vào đầy chậu, bạn nhớ để đất mặt cách miệng chậu 2cm – 3cm để khi tưới nước sẽ không văng đất ra ngoài nhé.

Cũng giống như nhân giống, khi trồng cây xương cá vào chậu, bạn cũng cần sử dụng bao tay để tránh gây tổn thương ngoài ý muốn nhé.

5. Cách chăm sóc cây xương cá

Vì có xuất thân từ cây hoang dại nên cây xương cá rất dễ chăm sóc. Cây có thể chịu được ánh sáng trung bình cho đến điều kiện ánh sáng mặt trời đầy đủ, có thể sinh trưởng và phát triển ở ngưỡng nhiệt độ từ 18 – 28 độ C, bạn có trồng trong nhà hay ngoài trời đều được, tuy nhiên cây cần 4 – 6 giờ ánh sáng mặt trời mỗi ngày

Cũng như những loại cây mọng nước khác, cây xương cá ưa ẩm, không chịu được ngập nhưng chịu hạn tốt. Tưới nước một đến hai tuần một lần, tùy theo mùa và để đất khô hoàn toàn giữa các lần tưới.

Thật sự, cây xương cá không cần quá nhiều dinh dưỡng, nhưng để cây xanh tốt quanh năm thì cây không thể thiếu dinh dưỡng. Bạn có thể bổ sung dinh dưỡng định kỳ cho cây 15 – 20 ngày/ lần bằng các loại phân bón hữu cơ như phân trùn quế viên kết hợp cùng phân bón lá hữu cơ như Org Hum, Sealsol, vitamin B1, dịch chuối…

 

Cũng như cây xương rồng, cây xương cá rất ít khi bị bệnh hay bị sâu bệnh tấn công. Vấn đề duy nhất bạn cần quan tâm khi chăm sóc cây xương cá đó là tưới quá nhiều sẽ dẫn đến thối rữa, rơi từng cành, nhánh riêng lẻ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *